Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt: Cần chiến lược lâu dài

Publié le par J.-Ph. Eglinger

manchette-SGGP.jpg

05/08/2010 - Ngọc Quang

 

Hơn 1 năm sau cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, hàng Việt đã có vị trí nhất định đối với người tiêu dùng Việt Nam, nhất là tại thị trường nông thôn. Tuy nhiên, để hàng Việt thực sự chiếm lĩnh được thị trường nội địa, cần phải có chiến lược dài hơi từ vĩ mô tới vi mô.

 

 

Điểm nhấn thị trường nông thôn

 

Việc chọn thị trường nông thôn làm điểm nhấn đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa đã được Bộ Công thương cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) bàn bạc, phối hợp từ khá lâu. Nhưng kể từ thời điểm Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tháng 7-2009, cùng những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới làm hàng hóa xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, sự hưởng ứng của doanh nghiệp với thị trường nội địa mới sâu rộng.

 

Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động, thị trường nông thôn được nhìn nhận chính là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất.

 

Theo Bộ Công thương, đã có 68 đợt đưa hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt gần 1.500 tỷ đồng.

 

Riêng BSA đã tổ chức được hơn 40 đợt đưa hàng về nông thôn với gần 500 lượt doanh nghiệp tham gia, đào tạo kỹ năng bán lẻ cho hàng trăm tiểu thương, thu hút hơn 500.000 lượt người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm.

 

Đánh giá về thị trường nông thôn, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA nhìn nhận, doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa, không có cách nào khác là phải chiếm lĩnh được thị trường nông thôn. Đây sẽ là căn cứ địa vững chắc để các doanh nghiệp phát triển và ổn định sản xuất.

 

Từng tham gia Hội chợ hàng Việt tại Lạng Sơn, bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt may Việt Nam, thừa nhận ở đây người tiêu dùng Việt Nam đã quen dùng hàng Trung Quốc. Liệu có thay đổi thói quen hay không? Và, câu trả lời tại địa bàn này là: người tiêu dùng Lạng Sơn trên thực tế rất ủng hộ hàng Việt với điều kiện chất lượng phải tốt.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nông thôn ở Việt Nam có tiềm năng dồi dào với hơn 60 triệu người, gấp 3 lần người tiêu dùng ở thành thị. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, hội chợ, triển lãm… đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước, nhất là người tiêu dùng nông thôn tiếp cận trực tiếp với hàng hóa thương hiệu Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

 

 

Các bên cùng nỗ lực

 

Tuy nhiên, câu chuyện về việc Việt Nam, một nước nổi tiếng với cây tre nhưng tăm tre cũng phải nhập, đã cho thấy chủ thể của cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không phải là người tiêu dùng mà chính là doanh nghiệp. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng, phát triển kênh phân phối là một đòi hỏi và thách thức với nhiều doanh nghiệp.

 

Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), thị trường bán lẻ của Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối của doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có những lợi thế do tập quán tiêu dùng, truyền thống văn hóa. Doanh nghiệp nên tập trung phát triển kinh doanh theo hình thức siêu thị để giữ thị phần và phát triển kênh phân phối tại các chợ truyền thống, đưa hàng hóa đến từng ngõ ngách, thị trường nông thôn mà các kênh như siêu thị khó làm được.

 

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối.

 

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011 mà Bộ Công thương đang xây dựng, bộ phận xúc tiến thương mại nội địa sẽ được coi là một cấu thành hết sức quan trọng. Bộ Công thương sẽ phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tạo sự liên kết trong việc cung cấp thông tin thị trường nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh.

Publié dans Eco

Pour être informé des derniers articles, inscrivez vous :
Commenter cet article